Là “thủ phủ” sản xuất gạch ngói (SXGN) của tỉnh, huyện Tây Sơn có gần 950 lò SXGN, trong đó có đến 930 lò SXGN bằng đất sét nung thủ công phải xóa bỏ theo chủ trương của Nhà nước. Thời gian qua, huyện Tây Sơn và các cơ sở SXGN trên địa bàn đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển SXGN bằng vật liệu nhẹ không nung.
Chuyển đổi sản xuất: Còn lúng túng
Thời gian qua, nghề SXGN ở Tây Sơn đã giải quyết việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho hơn 8.000 lao động, kèm theo nhiều dịch vụ đem lại giá trị tương đối khá như cơ khí, vận tải, đặc biệt là đã tạo được nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nghề này mỗi năm cần hơn 90.000 m3 đất sét nguyên liệu (tương đương 4,5 ha ruộng), 10.000 tấn than đá và không ít củi, bổi... Việc SXGN bằng đất sét nung thủ công không những làm ảnh hưởng tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đất nông nghiệp; thay đổi hiện trạng độ phì nhiêu của đồng ruộng; nhiên liệu đốt lò vẫn còn sử dụng củi bổi nên gây thiệt hại về rừng và thảm thực vật; gây ô nhiễm môi trường…
Máy móc, thiết bị sản xuất ngói màu không nung của DNTN Sơn Vũ. Ảnh: HOÀNG CHI |
Thực hiện Chỉ thị số 04 và Quyết định số 48/UBND ngày 20.3.2013 của UBND tỉnh về quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động SXGN bằng đất sét nung thủ công, huyện Tây Sơn đã triển khai thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn I (năm 2014) sẽ xóa bỏ các lò nằm trong khu dân cư (khoảng 190 lò); giai đoạn II (2015) xóa các lò trong khu sản xuất tập trung (khoảng 300 lò) và giai đoạn III (2016) sẽ xóa toàn bộ lò SXGN bằng đất sét nung thủ công trên địa bàn. Kết quả, trong năm 2014 đã xóa bỏ gần 190 lò; từ đầu năm 2015 đến nay, có 2/3 trong số 308 lò đã hoàn tất hồ sơ thủ tục cam kết tháo dỡ chấm dứt sản xuất hoặc chuyển đổi sản xuất.
Có thể nói qua thực hiện lộ trình xóa bỏ lò SXGN bằng đất sét nung thủ công ở Tây Sơn, hầu hết các chủ cơ sở SXGN đều có nhận thức tốt và đồng tình cao với chủ trương của Nhà nước, đều đồng ý tháo dỡ lò nung thủ công nhằm chấm dứt sản xuất hoặc chuyển đổi sang công nghệ khác. Tuy nhiên hầu hết các cơ sở sản xuất đều rất lúng túng trong việc chuyển đổi công nghệ sản xuất mới. Việc chuyển đổi của một số cơ sở chủ yếu là chuyển sang công nghệ lò Hoffman và tuy nen, mặc dù vẫn biết đây cũng chỉ là giải pháp giao thời trong lộ trình thực hiện QĐ số 567 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020.
Công nghệ mới: sản xuất ngói màu không nung
Cũng như các cơ sở SXGN trong huyện, nhiều năm qua, DNTN Sơn Vũ chuyên sản xuất ngói lợp bằng đất sét nung thủ công tại cụm CN Phú An- xã Tây Xuân. Được sự hỗ trợ kinh phí và tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (KC-TVPTCN) tỉnh và UBND huyện Tây Sơn, đầu năm 2015, DNTN Sơn Vũ đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất ngói màu không nung - xi măng cốt liệu với nguyên liệu chính là cát, bột đá, phụ gia, xi măng và nước. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trên 2,2 tỉ đồng, trong đó Trung tâm KC-TVPTCN tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng, huyện Tây Sơn hỗ trợ 30 triệu đồng. Sau thời gian lắp đặt thiết bị, sản xuất thử nghiệm, đến nay, dây chuyền sản xuất ngói màu không nung của DNTN Sơn Vũ đã đi vào hoạt động ổn định với sản lượng 3 triệu viên ngói/năm; giải quyết công ăn việc làm cho 15 lao động tại chỗ với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Việc ứng dụng công nghệ sản xuất ngói màu không nung - xi măng cốt liệu tại DNTN Sơn Vũ sẽ góp phần tiêu thụ phế liệu của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nhất là nguồn bột đá từ ngành khai thác đá tại địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Ngô Văn Diệu, chủ DNTN Sơn Vũ, cho biết: Sau khi hoạt động ổn định, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng sản xuất, đầu tư thêm 2 máy ép ngói màu không nung; đồng thời sẽ tiến hành các thủ tục về tiêu chuẩn, chất lượng; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm ngói màu không nung của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc Trung tâm KC-TVPTCN tỉnh: Với chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm KC-TVPTCN, chúng tôi thấy đây là một mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt đã hưởng ứng được chủ trương của Chính phủ về xóa bỏ lò gạch nung thủ công, thay thế bằng những loại vật liệu xây dựng không nung, đặc biệt là loại ngói màu không nung này. DNTN Sơn Vũ là một trong những đơn vị đi đầu tiên, chúng tôi sẽ tiếp tục ký kết hỗ trợ những bước tiếp theo, từ kênh phân phối lưu thông để tạo ra thị trường và các tiêu chuẩn của sản phẩm, để sản phẩm này có thể đứng vững, đủ sức cạnh tranh với một số hàng hóa cùng loại sản xuất ở Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh, đã có mặt và đang cạnh tranh trên thị trường Bình Định.
Theo ngành chức năng, công nghệ mới này sẽ được tiếp tục nhân rộng để thay thế cho việc sản xuất ngói thủ công bằng đất sét nung ở Tây Sơn.
HOÀNG CHINguồn http://baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=47664
0 Nhận xét