Tồn tại đến nay gần ngàn năm, soi bóng lung linh bên nhánh sông Côn chảy qua cầu Bà Gi, nơi gặp gỡ của quốc lộ 1 và quốc lộ 19 trên địa bàn thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước, tháp Bánh Ít tạo ấn tượng mạnh với khách sử dụng phương tiện đường bộ và đường sắt khi đi qua khu vực này. Hiện tháp Bánh Ít đang được đầu tư xây dựng hạ tầng, phát huy giá trị di tích qua kết nối du lịch (DL).
Du khách tham quan tháp Bánh Ít |
Tại Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển DL giữa Bình Định với các tỉnh Đông bắc Thái Lan, Campuchia và Nam Lào vừa tổ chức vào giữa tháng 8.2015 tại TP Quy Nhơn, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, xác định: Bình Định cam kết tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng DL đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế; nâng cao chất lượng môi trường DL, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Nâng cao chất lượng sản phẩm DL và xây dựng, khai thác sản phẩm, dịch vụ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh DL tại Bình Định.
Tháp cổng và con đường bậc thang từ chân núi phía đông. |
Hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng tháp Bánh Ít là một trong những minh chứng cho quyết tâm phát triển DL của ngành VH-TT&DL tỉnh, bên cạnh công tác bảo tồn, bảo tàng tại di tích này. Theo Ban quản lý di tích (thuộc Sở VH-TT&DL), công trình được khởi công từ tháng 8.2014, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục: Đường lên tháp, khu vực cổng chính, mương thoát nước, bãi đậu xe, tường rào phía đông giáp tu viện Nguyên Thiều, hệ thống điện chiếu sáng, nhà thường trực, nhà vệ sinh... với kinh phí khoảng 5,5 tỉ đồng.
Phút nghỉ chân bên tháp cổng, nghe giới thiệu về lịch sử và giá trị kiến trúc độc đáo của cụm tháp Bánh Ít, trước khi lên tháp chính. |
Tháp Bánh Ít chỉ cách TP Quy Nhơn 20 km, nằm sát bên quốc lộ 1, có giá trị lịch sử và kiến trúc, nên thu hút nhiều du khách. Hiện nay, tham quan tháp Bánh Ít, du khách sẽ đi trên con đường bậc thang được xây dựng thoai thoải từ chân núi phía đông lên đến đỉnh núi, với những chiếu nghỉ dọc đường, không vất vả như đi đường bộ vòng qua phía nam lên đỉnh núi như trước. Bậc thang được bố trí khá thấp, rất dễ đi. Có thể nói, qua một số lần xây dựng đường lên tháp gắn với những lần gia cố, trùng tu tháp trước đây, thì lần này là hợp lý và hiệu quả nhất.
Nhằm phát huy giá trị di tích, phục vụ công tác nghiên cứu và tham quan DL, yêu cầu phải hoàn thiện đồng bộ các hạng mục công trình phụ trợ, Sở VH-TT&DL đang xin ý kiến UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng nhà dịch vụ - đón tiếp kết hợp trưng bày hiện vật và biểu diễn võ cổ truyền phục vụ khách DL; xây dựng tiếp một số hạng mục, đường giao thông, đường đi dạo... theo đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Du khách tìm hiểu kiến trúc của tháp Yên Ngựa trong cụm tháp Bánh Ít. |
Bên cạnh tôn tạo cảnh quan, trồng thêm cây xanh, hoa kiểng phù hợp, sẽ xây dựng các quầy dịch vụ bằng vật liệu nhẹ phục vụ giải khát, bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ về văn hóa Chăm, quà đặc sản địa phương...
Bài, ảnh: NGUYÊN VŨ
Cụm di tích tháp Bánh Ít tọa lạc trên địa bàn xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, là một trong những cụm tháp có niên đại sớm (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII) và cũng là di tích còn nhiều tháp nhất (4 tháp) trong các di tích kiến trúc Chăm ở Bình Định. Về mặt kiến trúc, tháp Bánh Ít mở ra một phong cách mới của kiến trúc Chăm, tiêu biểu cho phong cách Bình Định. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.
Tháp Bánh Ít được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982; gần đây được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm; được đưa vào tập sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh...Nguồn http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=46574
0 Nhận xét