Nhiếp ảnh gia người Áo vào thị trấn không người ở Pripyat, gần nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, Ukraine, để ghi lại cảnh hoang tàn, gần 30 năm sau vụ nổ.
Vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl xảy ra vào ngày 26/4/1986, là tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng thuộc Ukraine, Belarus và Nga, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Nơi đây được khoanh thành vùng cấm, chỉ cấp giấy phép tiếp cận cho một số nhà khoa học hoặc khách đặc biệt, kèm theo các điều kiện bảo hộ phóng xạ.
Nhiếp ảnh gia người Áo Roland Verant, 35 tuổi, đã vào bên trong thị trấn cách vụ nổ 3 km để chụp những gì còn sót lại. Trong ảnh là con gấu bông bị lãng quên và những bộ quần áo trẻ em mục nát.
Mãi đến tận một ngày sau khi vụ nổ diễn ra, chính phủ mới nhận thấy mức độ nghiêm trọng của thảm họa và ra lệnh di tản 50.000 cư dân của thị trấn.
Các nhà khoa học, công nhân và quân đội làm việc trong và gần nhà máy điện hạt nhân đều di tản cùng với gia đình. Họ để lại hầu hết tài sản. Trong ảnh là những gì còn lại của một phòng biểu diễn.
Đa số đều chưa bao giờ nghĩ sẽ rời xa nơi mà họ coi là nhà, cho đến khi vụ thảm họa hạt nhân xảy ra.
Các tòa nhà hiện nay vẫn còn kể từ sau vụ sơ tán khẩn cấp năm đó. Những mảng tường bị tróc, cửa sổ bị vỡ và lớp kính vẫn nằm dọc hành lang.
Những gia đình bị buộc phải rời khỏi nơi họ sinh sống trong chương trình sơ tán diễn ra khoảng 3 giờ đồng hồ. Thức ăn vẫn còn trong tủ và những chiếc giường vẫn đầy đủ chăn gối.
Roland Verant xoay xở nhiều cách để được quyền vào thị trấn này. Đi cùng với anh là một hướng dẫn viên thạo nghề.
Tường Ý
Nguồn http://dulich.vnexpress.net/photo/anh-video/thi-tran-ma-30-nam-sau-vu-no-hat-nhan-chernobyl-3270403.html
0 Nhận xét