Theo Tỉnh lộ 629 từ Thị trấn Bồng Sơn lên An Lão, vừa qua khỏi Cổng chào bước vào địa phận huyện An Lão. Suốt quãng đường hơn 10 km dọc tỉnh lộ nhìn về hướng Đông là dãy núi tiếp giáp với 2 xã Hoài Phú và Hoài Sơn của huyện Hoài Nhơn ta thấy từ chân núi lên đến sườn núi, có nơi đến tận đỉnh núi lô nhô, nham nhở những vùng rừng bị tàn phá trơ trọi…Điều khó hiểu là với diện tích rừng bị xâm lấn, tàn phá lớn như thế nhưng chính quyền địa phương không tìm ra đối tượng vi phạm để xử lý !?
Nguồn http://tamnhin.net/huyen-an-lao-binh-dinh-hang-tram-hecta-rung-bi-tan-pha-nhung-khong-tim-ra-doi-tuong-vi-pham-53016.html
Cổng chào huyện An Lão, Bình Định trên Tỉnh lộ 629
Theo phản ánh của người dân; trước nạn phá rừng tại địa phương hiện nay chính quyền huyện An Lão đã hoàn toàn bất lực; hàng trăm hecta rừng bị xâm lấn trái phép. Bức xúc trước việc ngang nhiên xâm lấn tàn phá rừng mà không bị xử lý theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng nên người dân địa phương đã phải làm đơn gửi đến UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan chức năng.
Nhận được đơn phản ánh của người dân An Lão; ngày 18/8/2015, UBND tỉnh Bình Định đã có Văn bản số: 3958/UBND-TH chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND huyện An Lão kiểm tra tình hình, báo cáo UBND tỉnh về tình trạng rừng An Lão bị tàn phá nghiêm trọng.
Văn bản của UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo kiểm tra việc phá rừng (theo phản ảnh của người dân)
Báo cáo mới nhất ngày 21/9/2015 của Hạt kiểm lâm huyện An Lão, chỉ phát hiện có 165 địa điểm vi phạm với tổng diện tích thiệt hại là 49,59 ha bao gồm 24,62 ha rừng sản xuất và 24,96 ha rừng phòng hộ. Sau ngày 10/9/2015 phát hiện thêm 6,02 ha rừng bị thiệt hại. Riêng diện tích lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép là 90,24 ha với 75 địa điểm vi phạm. Trong 9 xã trên địa bàn huyện với hàng trăm hecta rừng bị xâm lấn, tàn phá đa phần chưa xác định được đối tượng vi phạm.?!... Nhìn các con số thống kê cứ ngỡ là ngành kiểm lâm huyện An Lão quản lý chặt chẽ nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Theo ghi nhận của Phóng viên thì diện tích rừng bị xâm hại lớn hơn gấp nhiều lần; chỉ riêng diện tích rừng đầu nguồn Sông Vố và rừng phòng hộ đầu nguồn Hồ Hưng Long (An Hòa) bị tàn phá đã lớn hơn con số trong Báo cáo của Hạt Kiểm lâm…
Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2015 của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão có điều đáng lưu ý là tiền thu nộp: 233.750.000 đồng thì trong đó riêng tiền bán phát mãi lâm sản là: 231.100.000 đồng còn tiền xử phạt vi phạm hành chính chỉ là một con số khiêm tốn: 2.650.000 đồng. Với số tiền 231.100.000 đồng thì bao nhiêu m3 gỗ đã được đem ra bán và để có được lượng gỗ như thế thì bao nhiêu cây gỗ đã bị triệt hạ; bao nhiêu hecta rừng bị chặt phá ?! Qua đó cho thấy công tác ngăn chặn, bảo vệ chưa được chú trọng và phải chăng ngành Kiểm lâm huyện An Lão chỉ ngồi chờ “lâm tặc” vào rừng khai thác để chặn bắt lâm sản rồi đưa ra bán đấu giá thu tiền ?!...Tài nguyên rừng khi đã bị tàn phá thì phải mất bao nhiêu năm nữa mới tái tạo được ?!...
Hiện nay tình trạng phá rừng tại An Lão đang diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng; UBND huyện đã có quyết định thành lập 2 tổ công tác chuyên trách do đích thân 2 Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp tham gia và Huyện ủy An Lão đã có chỉ đạo xử lý nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức…kiểm tra và…báo cáo ! Hàng trăm hecta từ rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ…bị tàn phá, lấn chiếm trái phép nhưng cho đến nay chưa có vụ nào được xử lý đến nơi đến chốn. Trong báo cáo của các đơn vị đều nêu lý do là nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ rừng quá ít nên dẫn đến tình trạng lơ là trong công tác…!
Theo thừa nhận của ông Nguyễn Thanh Sinh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão thì tình trạng phá rừng tại địa phương đã diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay nhưng trước đây chỉ là những vụ nhỏ lẻ. Tại các xã trong huyện, chính quyền địa phương đã thành lập các đội bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn. Thế nhưng từ đầu năm đến nay do giá keo nguyên liệu ngày càng tăng, hiệu quả kinh tế trước mắt quá hấp dẫn nên đã kích thích người dân không ngần ngại tàn phá, xâm lấn rừng để lấy đất trồng keo…
Một khu rừng nguyên sinh bị tàn phá bên kia chốt Kiểm lâm trên đường lên xã vùng cao An Toàn
Dù chính quyền các cấp và Hạt Kiểm lâm huyện An Lão có giải thích hay phân tích thế nào đi nữa thì vẫn không thể phủ nhận, che đậy được việc hàng trăm hecta rừng trên địa bàn huyện đã bị tàn phá. Cả hệ thống chính trị, từ Huyện ủy, UBND, Hạt Kiểm lâm, Công an, Chính quyền thôn xã cùng các đội bảo vệ rừng được tổ chức đến tận cơ sở thế nhưng tình trạng phá hàng trăm hecta rừng mà không tìm ra đối tượng là điều hết sức phi lý. Phải chăng đằng sau có sự bao che, đồng lõa hoặc cả nể lẫn nhau…?!
Trước trận chiến giành lấy sự sống cho rừng; Chính quyền huyện An Lão cần chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và chính quyền cơ sở tập trung tuyên truyền để người dân không vì cái lợi trước mắt mà tàn phá, hủy hoại môi trường thiên nhiên. Riêng đối với trường hợp các doanh nghiệp, cán bộ hoặc người thân dựa dẩm, ỷ lại, cậy thế để phá rừng, xâm lấn trái phép đất rừng cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật đồng thời cần phải thu hồi triệt để diện tích rừng đã bị lấn chiếm, có kế hoạch quản lý, tái tạo…
Lan PhượngNguồn http://tamnhin.net/huyen-an-lao-binh-dinh-hang-tram-hecta-rung-bi-tan-pha-nhung-khong-tim-ra-doi-tuong-vi-pham-53016.html
0 Nhận xét