(ĐSPL) - Với trên 300 năm tồn tại, làng nghề nón ngựa Phú Gia tại thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định) cũng đã từng trải qua những giai đoạn thịnh, suy nhưng những năm gần đây làng nghề đang trở mình sống dậy.
Có được điều này là nhờ những con người ngày đêm mải mê gìn giữ và lưu truyền những sản phẩm ngày xưa, trong số đó phải kể đến nghệ nhân Đỗ Văn Lan, 1 trong 7 người của thôn là hội viên Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
55 năm nối nghiệp gia đình làm nón Ngựa
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan (SN 1948), mới gần 70 tuổi nhưng đã có đến 55 năm gắn bó với nghề làm nón ngựa. Ông Lan cho biết, ông bén duyên với nghề này từ thời niên thiếu. Hồi đó, thấy ông nội, cha, mẹ ngày ngày cần mẫn bên những chiếc nón, ông cũng bắt đầu theo học làm. Nhờ đôi bàn tay khéo léo tài hoa cùng với niềm đam mê ông đã nhanh chóng trở thành nghệ nhân xuất sắc trong nghề làm nón ngựa Phú Gia.
Nghề làm nón ngựa là nghiệp duyên theo ông suốt cuộc đời vì người vợ của ông cũng là một nghệ nhân trong nghề, ông Lan cho biết thêm.
Để làm ra một chiếc nón ngựa mất khá nhiều thời gian, làm rất công phu và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ |
Nếu như chiếc nón bài thơ của xứ Huế nổi tiếng với sự thanh lịch khi lồng trong là lá hình hoa, cùng những câu thơ, câu văn thì nón ngựa Phú Gia là loại nón mang vẻ đẹp mạnh mẽ của con nhà võ, thường được thêu hoa văn theo các đề tài Long, Lân, Quy, Phụng...hoặc cảnh vật trên nang sườn nón.
Ngày xưa với những người có chức sắc khác nhau thì các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau để biết được phẩm hàm của từng quan lại trong địa phương. Từ xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc chạm trổ theo phẩm trật. Trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt. Những mẫu hoa văn như Long, Lân, Quy, Phụng thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến. Giới phong lưu thường chuộng mẫu Mai, Lan, Cúc, Trúc biểu tượng của sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa. Cũng chính nhờ có những mẫu họa tiết này mà khi đội trên đầu, nón ngựa Phú Gia vừa có nét cao sang quý phái, vừa thể hiện sự trang nhã, mềm mại, trở thành nét đặc trưng độc đáo của riêng mình. Ở Phú Gia thời trước, ngày cưới nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể đội nón đi ngựa; còn nhà nghèo cũng ráng sắm vài đôi nón ngựa cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày trọng đại.
Đam mê truyền lửa nghề làm nón ngựa
Thực hiện theo di nguyện của ông nội trước khi qua đời, nghệ nhân Đỗ Văn Lan đã dành hết cuộc đời của mình để gìn giữ, truyền lửa nghề làm nón ngựa cho thế hệ con cháu trong gia đình.
Ông luôn tự hào về nghề truyền thống 5 đời của gia đình và vẫn luôn giữ chiếc nón hơn 50 tuổi của cha, mẹ để lại như một báu vật. Nhà ông hiện có 7 người làm nón, ngoài vợ chồng ông còn có 4 con gái và 1 con rể.
Mặc dù ông đã truyền dạy nghề cho các con từng đường kim mũi chỉ nhưng không ai trong số họ làm nón đạt đến độ tinh xảo. Kể cả hàng trăm thợ nghề trong làng, học viên trường nghề được ông truyền dạy cũng không thể làm nón ngựa đẹp như ông kỳ vọng.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan bên chiếc nón ngựa của mình. |
Hồi ức về thời gian vất vả khôi phục nghề làm nón, ông kể nhiều khi phải mày mò theo trí nhớ: “Tôi nghe ông bà kể lại rằng hồi xưa nón ngựa có hai loại. Loại khuôn nón trủm, tức giống chiếc nón bình thường bây giờ, dành cho người dân đội. Loại khuôn nón trảng, tức lòng nón không sâu như nón thường, kích thước vành nón rộng hơn nón trủm chừng 20%, trên chóp có gắn chụp bạc, có ngù ở trên, dành cho quan.
Chiếc nón “gia bảo” là kỷ vật của mẹ để lại chính là những “khuôn mẫu” để ông bắt tay làm những chiếc nón. Nghề làm nón đòi hỏi sự tỉ mỉ của đôi tay, sự nhẫn nại của khối óc và lòng nhiệt huyết của một trái tim nghệ sĩ. Phải yêu nghề như máu thịt mới có đủ kiên nhẫn để đeo đuổi công việc vất vả”.
Mỗi chiếc nón ngựa Phú Gia là sự kết tinh giữa vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ và bàn tay tài hoa, khéo léo của người nghệ nhân. Chỉ có nghệ nhân bậc thầy mới có thể làm ra chiếc nón ngựa vừa có giá trị kinh tế vừa mang tính nghệ thuật cao. Ông Lan chia sẽ: “Dân gian gọi nón ngựa trước hết là nó dẻo dai, bền bỉ như loài ngựa hoặc thuở xưa giới quyền quý thường sử dụng trong lúc cưỡi ngựa. Thời ấy chiếc nón có bịt bạc, chạm trỗ hình rồng, phượng trên đỉnh nón được giới quan binh đội trên đầu khi cưỡi ngựa.
Dựa vào những cứ liệu lịch sử cho thấy, từ thời vua Quang Trung chiếc nón Ngựa đã từng gắn bó với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc tiến quân ra Bắc làm biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ. Ngày nay du khách gần xa thích mua nón Ngựa về làm quà lưu niệm, cho tặng, trang trí trong nhà để lưu giữ vẻ đẹp văn hóa cổ xưa”.
Chia sẻ với chúng tôi về nghề làm nón ngựa, nghệ nhân Lan cho biết: “Nghề này đòi hỏi rất cao độ tinh xảo về kỹ thuật, mỹ thuật. Để làm ra một chiếc nón ngựa mất khá nhiều thời gian, làm rất công phu và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Quy trình này bao gồm 10 công đoạn chính: sơ chế nan đan sườn mê; thắt sườn hoàn thiện; làm vành nón; thêu hoa văn; sơ chế lá tươi thành lá thành phẩm (lá lợp); cắt lá để lợp; chằm thành phẩm một chiếc nón; nức vành nón; lặt mối sửa lại các sườn nón; thêu trái xoài chóp lá. Đôi bàn tay cầm kim phải dùng lực của ngón cái và ngón trỏ để cắm, rút kim, ê ẩm nặng nhọc chẳng khác gì người gánh lúa.
Khâu chọn chất liệu làm nón cũng rất kỹ lưỡng, lá dùng làm nón phải là lá kè mở vì nó có độ giai; chọn rễ dứa làm vành nón; sườn nón dùng cây giang nạo sạch vỏ, phơi khô, chẻ ra thành cây tăm thật nhỏ và đều; dây cước xanh thắt các loại vành, cước trắng bủa và chẳm nón. Tất cả các nguyên vật liệu này đều được lấy vào đúng mùa, tức cuối Đông đầu Xuân, như thế nón sẽ bền lâu nhiều năm hơn so với loại bình thường”.
Người già trong thôn đều làm nan sườn nón kiếm thu nhập. |
Được biết, nghề làm nón ngựa không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông Lan mà còn tạo ra những sản phẩm làng nghề độc đáo phục vụ du lịch của địa phương. Nó là món hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định, là niềm tự hào của người dân nới đây khi được truyền đi mọi miền đất nước. Đặc biệt, làng nghề nón ngựa Phú Gia là một trong 5 làng nghề truyền thống được quy hoạch, gắn với phục vụ phát triển du lịch.
Ông Lê Quang Công, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết: “Nhà ông Lan thường được các công ty du lịch đưa khách về tham quan. Sản phẩm nón ngựa từ cơ sở sản xuất của ông Lan được trưng bày ở một số đình, đền thờ, bảo tàng trong tỉnh. Với chiếc nón ngựa, xã Cát Tường trở thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu của Bình Định”.
Hy vọng trong tương lai gần, cùng với các làng nghề truyền thống khác trên cả nước, làng nghề nón ngựa Phú Gia sẽ ngày càng phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
MỸ BÌNH
Nguôn http://www.doisongphapluat.com/to-quoc-xanh/kham-pha/nguoi-thoi-hon-cho-non-ngua-truong-ton-cung-thoi-gian-a102357.html
0 Nhận xét