(Dân Việt) - Những ngày này, nhiều cơ sở sản xuất lân sư rồng truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định phải thuê thêm nhân công và tranh thủ làm vào ban đêm để kịp thời cung ứng hàng tiêu thụ trong và ngoài tỉnh dịp Tết Trung thu.
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm lân sư rồng, từ thuở nhỏ, anh Nguyễn Minh Tú (25 tuổi, trú phường Thị Nại, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã bắt đầu tập tành làm quen với nghề để phụ giúp bố mẹ. Hơn 10 năm nay, mỗi mùa Trung thu đến, anh lại tất bật "chế" lân sư rồng. Nằm tại một góc nhỏ trong khuôn viên sân vận động TP.Quy Nhơn, những ngày cận Tết Trung thu này, cơ sở sản xuất lân sư rồng A Tú, do anh Tú làm chủ, đang gấp rút hoàn thành các đơn đặt hàng của khách.
Cẩn trọng trong từng nét vẽ, anh Tú kể: “Trước đây, đầu lân đa phần được làm bằng giấy, ưu điểm là không cần sườn, chỉ cần khuôn đúc, sau đó đắp giấy lên khuôn, kết dính bằng hồ dán, phơi khô và vẽ họa tiết. Tuy nhiên, nhược điểm là phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đôi khi 4-5 ngày mới khô và bắt buộc phải làm theo từng công đoạn nhất định”.
Khoảng 6 năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị hiếu chơi lân sư rồng của giới trẻ, thay vì làm đầu lân bằng giấy, cơ sở sản xuất lân sư rồng A Tú chuyển hẳn sang làm từ khung bằng mây, tre.
“Đầu lân được làm từ khung mây, tre rất nhẹ và bền. Thế nhưng, việc làm đầu lân bằng khung mây, tre rất khó khăn, nếu như làm bằng giấy tính khoảng 1 công thì làm từ khung mây, tre phải mất đến 4 công mới hoàn thành được”, anh Tú cho hay.
Hiện số tiền bỏ ra để mua đầu lân làm từ khung mây, tre cao hơn so với đầu lân bằng giấy, thế nhưng mặt hàng này lại đang rất được ưa chuộng. Theo anh Tú, để hoàn thành chiếc đầu lân hợp "gu" khách hàng phải trải qua rất nhiều công đoạn.
Đầu tiên là làm khung (trung bình khoảng 1,5 ngày), kế đến là căng mùng (phủ lớp lót lên khung), sau đó dán giấy, phủ sơn để vẽ họa tiết và trang trí các chi tiết khác.
“Làm từ khung mây, tre thì có thể chủ động trong việc đa dạng mẫu mã, nếu khách hàng chuộng mẫu nào thì mình làm theo mẫu đó. Nguyên liệu mây và giấy đều nhập từ Trung Quốc về, đảm bảo được độ mềm dẻo và tính đàn hồi, khi thấm nước không sợ bị hư hỏng”, anh Tú chia sẻ.
Cứ đến dịp Trung thu, nhiều bạn trẻ lại tìm về các cơ sở sản xuất lân sư rồng để làm thêm và thỏa nỗi đam mê của mình với nghề.
Huỳnh Thanh Thành (SN 1998, trú TP.Quy Nhơn) cho biết: “Do yêu thích nghề làm đầu lân, nên tranh thủ ngoài giờ học, em đến đây để phụ giúp. Phải mất một mùa Trung thu, em mới thành thạo được các công đoạn. Hiện em đảm nhiệm việc làm vải mùng và dán lông”.
Không khí Trung thu đang len lỏi khắp con đường, ngõ hẻm. Nhiều nơi, từ nông thôn đến phố thị, những nghệ nhân làm lân sư rồng vẫn tất bật, tỉ mỉ từng công đoạn để giữ lửa nghề truyền thống bấy lâu.
“Muốn thành công với nghề làm lân sư rồng thì cần nuôi dưỡng trong mình niềm đam mê với nghề, sự kiên nhẫn và không ngừng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, giá bán những mặt hàng này dao động tùy theo mẫu mã và yêu cầu của khách hàng. Đầu lân có giá từ 1-1,7 triệu đồng, đầu rồng (9 người múa) khoảng từ 6-7,5 triệu đồng”, anh Tú bộc bạch.
Nguồn http://danviet.vn/tin-tuc/thau-dem-che-lan-su-rong-don-tet-trung-thu-627758.html
0 Nhận xét