Sau gần 3 năm gắn bó với chương trình phân loại rác tại nguồn tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), nữ kỹ sư Đinh Thị Hồng Điều (34 tuổi, Phó phòng kỹ thuật Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn) cho biết đã có nhiều tín hiệu lạc quan về một môi trường xanh, sạch và hữu ích hơn.
Không còn phải dùng tay lựa rác
Kỹ sư Hồng Điều phấn khởi chia sẻ: "Khi mô hình này được triển khai thực hiện, điều mà tôi tâm đắc nhất là anh, chị em công nhân không còn phải dùng tay lựa rác, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với rác bẩn, nên bảo vệ được sức khỏe của người lao động, đồng thời tiết kiệm được quỹ đất dùng để chôn lấp rác thải, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường". Thời điểm này, chị thường xuyên phải đi lại nhiều địa điểm để kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các khâu và vui mừng trước những kết quả bước đầu.
Tại nhà máy chế biến rác thải ở Long Mỹ, chị Hồng Điều không còn băn khoăn, trăn trở như 3 năm trước, khi mà nguyên liệu đầu vào của nhà máy thường xuyên thiếu hụt và không đảm bảo chất lượng. 3 năm nay, lượng rác dùng để sản xuất phân compost (phân hữu cơ được xử lý từ rác thải) ổn định 35 tấn/ngày và có thành phần hữu cơ đạt 65-70% so với khối lượng, cao hơn trước 10-20%. Sáng kiến này của chị đã giúp nhà máy giảm tải trong khâu phân loại rác, mà tỉ lệ phân compost thu được lại cao hơn so trước.
Kết quả của mô hình phân loại rác tại nguồn không thuộc hộ gia đình trên địa bàn TP.Quy Nhơn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt với tỉ lệ rác được phân loại và xử lý trên 60%. Lượng phân compost được sản xuất từ mô hình đạt 1.000 tấn mỗi năm, vừa cung cấp lượng phân bón cho cây trồng vừa giúp tiết kiệm đáng kể diện tích đất dành để chôn lấp rác.
Rác không phải đồ bỏ đi
Kỹ sư Hồng Điều kể lại, năm 2008, thực hiện quy định về quản lý chất thải rắn theo hướng tăng cường rác thải tái chế, giảm rác thải chôn lấp, TP.Quy Nhơn đã thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại KV3, P.Thị Nại với quy mô 572 hộ gia đình, lượng rác thải bình quân 1,5 tấn/ngày. Tuy nhiên, rác phân loại từ hộ gia đình vẫn còn lẫn nhiều bao bì nilon dẫn tới chất lượng phân compost không cao. Mặt khác, hiệu quả hoạt động của nhà máy lại đạt thấp do hoạt động không hết công suất, vì lượng rác hữu cơ thu gom được quá ít.
Đến năm 2012, chị Điều cùng các cộng sự đã lập đề án xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP.Quy Nhơn, bước đầu triển khai cho các đơn vị phát sinh nhiều chất thải hữu cơ như chợ, trường học, nhà hàng, khách sạn, công sở… Các đơn vị này có khối lượng rác thải phát sinh lớn, nhưng dễ phân loại tại nguồn một cách triệt để. Quy trình sản xuất phân compost của nhà máy được rút ngắn, thay vì 4 công đoạn trước đây thì bây giờ chỉ còn 3, làm lợi hàng chục công lao động/ngày, chưa kể mỗi năm công ty xuất bán hơn 1.000 tấn phân compost, thu về khoảng 600 triệu đồng.
Kỹ sư Điều cho biết: “Để duy trì và mở rộng mô hình phân loại rác tại nguồn, cần có một cơ chế triển khai đồng bộ cho toàn thành phố và giải quyết được khâu tiêu thụ sản phẩm compost đầu ra với giá thành phù hợp, hạn chế việc ngân sách bù lỗ cho hoạt động sản xuất phân. Mặc dù mới thực hiện mô hình nhưng các đơn vị chợ, nhà hàng, khách sạn, trường học phối hợp nhiệt tình trong công tác phân loại rác, chỉ đạo cán bộ, công nhân viên tham gia thực hiện tốt”.
Hiện tại, phân loại rác tại nguồn ở hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng chị Điều và các cộng sự đang nỗ lực để những trăn trở này sớm được thực hiện để hoàn thiện mô hình, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng và đem lại lợi ích cho người lao động.
Cống hiến hết mình Ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Quy Nhơn: “Trong các hoạt động phong trào cũng như trong công việc chuyên môn, chị Điều luôn hăng say và luôn cống hiến hết mình, đặc biệt những sáng kiến của chị đã góp phần mang lại hiệu quả cho công ty, vừa giúp giảm công lao động vừa lợi về mặt kinh tế ”. |
Tâm Ngọc
Nguồnhttp://www.thanhnien.com.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/tin-hieu-vui-tu-rac-611168.html
0 Nhận xét