Xuất thân từ vùng đất võ Bình Định, bản thân Nguyễn Công Hóa là một võ sư thuộc trường phái Vovinam nhưng mang tâm hồn nghệ sĩ, ông yêu thơ văn, nhạc, họa và nhất là… yêu hoa – luôn muốn những cánh hoa đẹp lâu tàn.
Năm 1975, ông khăn gói lên Đà Lạt lập nghiệp, những cành hoa mềm mại, xinh xắn của xứ sở ngàn hoa…như thôi thúc ông phải làm điều gì đó để giữ nó mãi bên mình, không như câu nói của người đời: “Hoa đẹp là hoa chóng tàn”.
Sau gần 10 năm dày công nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm công trình “hoa tươi ướp”, cuối cùng ông đã chạm tay đến hai chữ “thành công”.
Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc làm việc với người làm nên chuyện “trường sinh bất tử” cho hoa – ông Nguyễn Công Hóa, chủ Doanh nghiệp Hoa tươi ướp Hóa Thủy - Doanh nghiệp Ướp hoa tươi đầu tiên ở Việt Nam.
Chào ông, hoa và võ thuật là hai lĩnh vực có một khoảng cách khá xa, vậy điều gì khiến cho một võ sư Vovinam lại bén duyên với lĩnh vực ướp hoa tươi ?
Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa: Có nhiều người nghĩ rằng võ thuật và hoa là hai lĩnh vực khác nhau, có vẻ như đối chọi nhau? Nhưng riêng tôi thì không nghĩ như vậy, bởi vì võ thuật không phải là cường bạo mới thắng, võ thuật có lúc cương lúc nhu, võ thuật muốn thắng người khác trước tiên phải tự thắng mình.
Võ thuật đem lại cho người tập sức khỏe, sự tự tin, lòng kiên nhẫn, đức khiêm nhường. Ngoài ra, võ thuật cũng là một trong những bộ môn nghệ thuật. Còn trồng hoa, cắm hoa, ướp hoa, làm cho hoa tươi đẹp lâu hơn cũng là nghệ thuật. Người yêu nghệ thuật không phân biệt ngành nghề này với ngành nghề khác, miễn là có lòng đam mê công việc thật sự thì bất cứ việc gì cũng có thể thành công.
Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa
Quả thật để thành công việc ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài là cả một quá trình đầy khó khăn, không được học và không ai dạy, suốt gần 7 năm nghiên cứu, tôi đã trải qua không biết là bao nhiêu thất bại để có được thành công như ngày hôm nay.
Một phần lớn thành công là nhờ võ thuật, chính võ thuật giúp cho tôi có lòng kiên trì, chịu khó, nhẫn nại. Trồng hoa, nghiên cứu về hoa cũng giống như tập võ phải kiên trì chịu khó, hi sinh thời gian khổ luyện mới đạt được mục đích.
Thực ra công nghệ ướp hoa tươi đã có từ trước trên thế giới, vậy những kỹ thuật ướp hoa của ông là kế thừa hay sáng tạo?
Công nghệ hoa tươi ướp trên thế giới đã ra đời cách đây 20 năm, nếu nói tôi là người sáng tạo đầu tiên là không đúng. Ngược lại, nếu nói là người kế thừa càng không đúng, lý do tôi là một nông dân, không phải là nhà khoa học, trình độ học vấn trước năm 1975 chỉ là Tú tài bán phần, tương đương lớp 11 hiện nay.
Năm 2000 lần đầu tiên tôi may mắn được thấy sản phẩm hoa ướp, không hiểu sao các nước tiên tiến họ làm được một cành hoa ướp giữ được nhiều năm và được bán với giá thành rất cao. Trong khi người nông dân Việt Nam cũng trồng hoa mà giá hoa quá rẻ.
Từ đó cho tôi một suy nghĩ nếu mình làm được như họ thì chắc chắn sẽ thoát nghèo. Nhưng trình độ hiểu biết về cách ướp không có, kỹ thuật ướp như thế nào, dùng thuốc gì, mua ở đâu...? Chừng ấy câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu óc tôi và tôi bắt đầu mày mò làm thử.
Tôi hỏi các chuyên viên, chuyên gia, các khoa học, thực vật học không ai biết. Truy cập mạng cũng không thấy những điều mình cần biết. Suốt 7 năm trời như vậy, tôi mua đủ các loại thuốc, làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần, thất bại này đến thất bại khác mới có được kết quả như ngày hôm nay.
Tất cả đều nhờ vào sự kiên trì, bền bỉ và lòng đam mê vô hạn của mình. Cũng có thể nói, tôi là người nông dân Việt Nam đầu tiên làm ra sản phẩm hoa ướp, còn nói rằng điều đó có đúng nghĩa với 2 từ “sáng tạo” hay không thì tùy ở mọi người.
Một tác phẩm hoa tươi ướp được làm bởi bàn tay của nghệ nhân Nguyễn Công Hóa
Để làm ra công nghệ hoa tươi ướp có 2 màu trong 1 bông hoa, hiện nay trên thị trường trong nước, tôi chưa thấy. Kỹ thuật này tôi phải mày mò nghiên cứu mất thời gian hơn 1 năm.
Thường thì khi ướp hoa chỉ cho ra 1 màu theo ý muốn, còn cho 2 màu trên một bông hoa, kỹ thuật này rất khó, đòi hỏi phải pha phối màu độ kết tủa. Phương pháp này, nếu nói độc quyền hay không thì tôi không dám nhưng nói, người tạo ra một bông hoa có 2 màu thì tôi là người Việt Nam đầu tiên làm được.
Một số ý kiến cho rằng hoa tươi ướp của ông tuy đẹp nhưng giá thành lại "không đẹp” (cao), ông nghĩ sao về điều này?
Nhiều người cho rằng sản phẩm hoa ướp giá thành cao, tôi cho là chưa đúng lắm, vì hoa tươi ướp có thể sử dụng và để được nhiều năm, giá 1 bông hoa là 35.000đ để được trong 2 năm, thì hoa tươi ướp là hoa rẻ nhất.
Đó là chưa nói về mặt mỹ thuật và nghệ thuật, hoa thật nhưng để được lâu, đẹp, giá thành rẻ, chỉ cắm 1 lần không tốn kém thời gian. Chưa nói nó là sản phẩm sẽ đồng hành cùng những ngày vui trọng đại của đời người. Ví dụ: ngày cưới, bó hoa cưới có thể để được nhiều năm làm kỉ niệm, còn hoa tươi chỉ sử dụng được thời gian ngắn.
Sau khi thành công sản phẩm hoa tươi ướp đầu tiên để cho đến nay được gần 6 năm hoa vẫn đẹp chưa hư, nếu được bảo quản trong điều kiện tốt.
Tại thị trường Việt Nam, ông dường như không có đối thủ trên lĩnh vực này, thế còn thị trường ngoài nước thì sao thưa ông, làm thế nào để sản phẩm của Hóa Thủy ngày càng vươn xa hơn?
Trên thị trường Việt Nam và thị trường thế giới, dòng hoa tươi ướp cũng đã khẳng định được vị thế của dòng hoa này, vì nó là hoa thật nhưng lại để được lâu, đẹp, nhiều màu sắc theo ý muốn.
Hiện nay, hoa tươi ướp của doanh nghiệp chúng tôi đã xuất sang thị trường Nhật Bản từ 3 năm trước, đây là một thị trường đầy tiềm năng nhưng khó tính nhất. Nhiều đối tác nước ngoài đặt những đơn hàng lớn, nhưng doanh nghiệp còn khó khăn về nhiều mặt: như nhà xưởng - vốn, nên chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn, rất cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng ngành nghề và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về ngành hoa Việt Nam có thể nói, với điều kiện khoa học kỹ thuật trồng hoa tiên tiến trên thế giới, chúng ta đã tiếp thu được các chủng loại hoa cao cấp của họ. Hiện nay, Việt Nam đã trồng được nhiều loại hoa cao cấp, chỉ có điều chưa xuất khẩu mạnh được vì còn thiếu sự đầu tư về khoa học kỹ thuật.
Riêng mặt hàng hoa tươi ướp như đã nói ở trên, nhiều đơn đặt hàng lớn nhưng vì thiếu vốn không đáp ứng được, chứ không phải không xuất khẩu được.
Được biết, ướp hoa trong phòng thí nghiệm là một quy trình khép kín, ông không cho phép ai ra vào (kể cả vợ con), phải chăng ông không định truyền lại công nghệ này cho thế hệ sau...
Trong phòng thí nghiệm là cả một quá trình nghiên cứu dở dang, có cái đã thành công, có cái chưa, còn phải giữ bí mật những công thức, nếu cho người khác vào ra kể cả người thân có thể làm lộ bí quyết.
Nhưng rõ ràng khi qua đời, không ai đem theo cho mình được gì cả. Chắc chắn rằng, những bí quyết đó tôi sẽ truyền cho con cháu đời sau.
Bức tranh bằng hoa tươi ướp lớn nhất Việt Nam
Tôi chân thành cảm ơn mọi người cũng như báo chí và mọi người đã tặng cho tôi những mỹ từ đẹp ấy. Có một câu nói của một vĩ nhân mà tôi luôn tâm niệm để làm kim chỉ nam trong cuộc sống đó là: "Bạn hãy làm những việc bình thường với lòng say mê công việc phi thường".
Nhờ chịu khó mày mò và đam mê nghiên cứu, sản phẩm Hoa tươi ướp Hóa Thủy cho đến hôm nay đã may mắn được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.
Một đôi điều tâm tình về Đà Lạt – mảnh đất ngàn hoa đã góp phần tạo nên thành công của ông ngày hôm nay?
Đà Lạt là xứ sở của ngàn hoa, khí hậu được thiên nhiên ưu đãi, con người hiền hòa mến khách. Tôi không phải là người gốc Đà Lạt nhưng rất mặn mà với vùng đất này. Sau năm 75 tôi may mắn được đến đây để nhìn sương mù giăng mắc khắp thành phố, để được mộng mơ.
Tâm hồn tôi cũng có tố chất nghệ sĩ nên có đôi chút lãng mạn như: sầu thương gió núi, yêu Trăng, mơ Hoa… Để từ đó tôi mới có chút thành công như ngày hôm nay.
Chân thành cảm ơn và chúc ông luôn thành công trong cuộc sống!
Nguồn http://cafebiz.vn/nhan-vat/nguyen-cong-hoa-phu-thuy-bien-hoa-tuoi-thanh-bat-tu-20150729161720132.chn
0 Nhận xét