Dân trí Nhiều chị em ăn kiêng không dám ăn tinh bột vì sợ chất bột đường gây béo, trong khi đó ngày lại có thể uống đến cả lon nước ngọt. Uống một lon nước ngọt, tương đương bạn “nạp” 36 gram đường vào cơ thể.
“Nạp” dễ, tiêu hao khó
PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, xu hướng sử dụng nước ngọt ngày càng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Ngày Tết, đại đa số các gia đình mua cả vài thùng nước ngọt, nước ép trái cây lon về nhà. Thói quen này cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì ở cả trẻ em và người lớn. Bởi uống một lon nước ngọt rất dễ, ngon miệng, trong bữa ăn có những người uống cả hơn lon nước vẫn thấy bình thường, không có cảm giác lo sợ bị lên cân như ăn các thực phẩm khác.
Một lon nước ngọt 330ml chứa đến hơn 1/3 lượng đường
Thế nhưng thực tế thì như thế nào? Nước ngọt, bên cạnh lượng đường tự nhiên trong thực phẩm, thường được ép thêm đường glucose hoặc fructose. Những loại đường này cung cấp kcal dễ dàng. Một lon nước ngọt có đến 36g đường. Theo công bố trên nhãn của nhà sản xuất, 100 ml nước ngọt thì tạo ra 42 kcal. Thế nhưng một lon nước ngọt lại thường được đóng hơn 300ml và hầu hết mọi người đều có tâm lý, đã mở ra thì cố uống, bỏ thì tiếc nên lại uống cố, đồng nghĩa với việc sẽ nạp khoảng 140kcal.
“Để uống một lon nước ngọt rất nhanh, nhưng để tiêu thụ được 140kcal no đó đồng nghĩa với việc mất khoảng 60 phút đi bộ”, PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết.
Mấu chốt của béo phì, lên cân cũng liên quan chặt chẽ đến loại nước uống này. Trẻ em trong ngày Tết bánh mứt kẹo, đồ ngọt vô tội vạ lại thêm cỡ 2 lon nước ngọt, vận động bao lâu để có thể tiêu hao hết từng đó năng lượng. Còn người lớn, ngoài nước ngọt còn vô số thực phẩm nhiều chất béo khác, vận động thì ít và đây chính là lý do sau Tết chị em thường “phì nhiêu” hơn bình thường.
Không chỉ cung cấp quá nhiều năng lượng mà loại đồ uống này cũng là tác nhân khiến cơ thể đào thải canxi nhiều hơn. Nước ngọt có ga có phân tử CO2 sục vào nước tạo thành H2CO3 - axít cacbonic và để trung hòa môi trường này, cơ thể rút canxi trong xương, răng, sau đó thải ra ngoài qua nước tiểu khiến lượng canxi của người Việt nạp vào đã ít ỏi nay bị tiêu hao nhanh hơn.
Nên hạn chế bánh, mứt, kẹo
Ngày Tết có quá nhiều các loại mứt, bánh kẹo không thích hợp cho người tiểu đường, người có đường máu cao, béo phì, hay người muốn ăn kiêng. Một số loại mứt chứa nhiều loại beta carotene hoặc vitamin A, C như mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi… sẽ bị phân hủy do nhiệt độ và thời gian chế biến mứt quá lâu sẽ làm mất tác dụng của các nhóm vitamin. Do đường nhiều nên mứt tạo ra năng lượng là chính, không cung cấp đủ thành phần dưỡng chất nhất là các vitamin, khoáng chất cho cơ thể so với lúc còn tươi.
Ăn nhiều mứt, bánh kẹo dễ sinh đầy bụng và làm mất cảm giác đói. Nhiều chị em nghĩ mình ăn vài miếng mứt, đầy bụng không ăn bữa chính cũng là ăn kiêng tránh lên cân nhưng “vài miếng mứt” năng lượng cung cấp nhiều khi còn hơn cả 1 bát cơm vì lượng đường có nhiều trong mứt.
Chị Thanh Hải (Hà Đông) cho biết, hôm gặp bạn bè cà phê vui vẻ, chị ăn liền 2 gói mứt sấy khô và đến khi định với gói thứ 3, xem nhãn chị mới giật mình bởi năng lượng cung cấp đến 120kcal trong 100gram. "Buổi chiều hôm đó, mình về nhà mình đi bộ nhanh với tốc độ 6,4km/giờ, độ dốc đến 10 mà phải 30 phút đồng hồ mới tiêu hao được 276kcal. Tiêu hao năng lượng của hai gói mít sấy không dễ tí nào, mồ hồi ướt sũng, thở không ra hơi trong khi lúc ăn thì vèo cái hết cả gói", chị Hải cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thực phẩm ngọt ngày Tết mang những mối nguy tiềm ẩn dẫn đến tăng cân, béo phì, tim mạch…. Đây cũng là nguyên nhân của không ít ca tiểu đường giả hay gặp sau Tết do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm ngọt. Nhiều người đưa con đến viện, hốt hoảng vì con đi tè nhiều, sau tè kiến bu kín vào bãi nước tiểu.
TS Dũng đã từng tư vấn cho nhiều trường hợp trẻ em gặp hiện tượng này, trong đó, có trẻ thì vì nghiện nước ngọt ngày làm vài lon, có trẻ thì nghiền sữa hàm lượng đường cao, uống ngày 5 – 6 cốc.
“Khi ăn một khối lượng đường rất nhiều trong một thời điểm nhất định thì chuyển hóa đường của cơ thể không đáp ứng nổi, làm tăng đường huyết nhất thời, dẫn đến hiện tượng một số cháu có thể tìm thấy đường trong nước tiếu sau bữa ăn.
“Nếu tìm thấy đường trong nước tiểu sau bữa ăn, điều đó cảnh báo chúng ta rằng chúng ta đã ăn một bữa quá nhiều đường. Nếu cứ duy trì thì không tốt cho cơ thể, lâu dần sẽ khiến từ tiểu đường giả thành tiểu đường thật. Bởi lượng đường trong máu tiếp tục tăng cao khiến cơ thể, tuyến tụy lập tức tiết ra insulin để kéo lượng đường trong máu xuống. Đó là một sinh lý bất bình thường. Tuyến tụy cùng một lúc phải sản xuất quá nhiều insulin đến lúc nó mệt không sản xuất nổi nữa sẽ khiến thành đái tháo đường thật”, TS Dũng cảnh báo.
“Ăn quá nhiều đường (gồm bánh kẹo, nước ngọt…) trong ngày Tết rất nguy hiểm vì làm hại tuyến tụy. Vì thế, người lớn cần tự điều chỉnh chế độ ăn sao cho phù hợp, không ăn quá nhiều đồ ngọt. Với con trẻ cũng cần sự nhắc nhở, giám sát, tránh trường hợp đường huyết tăng bất thường vì ăn quá nhiều đồ ngọt. Tái diễn hiện tượng này nhiều lần, nhiều ngày sẽ thực sự khiến tuyến tụy mệt mỏi, không còn tiết insulin thì sẽ rất nguy hiểm, vì khi đó là tiểu đường thực sự”, TS Dũng cảnh báo.
TS Dũng cũng cho rằng người Việt nên thay đổi truyền thống mời nhau miếng mứt, cái bánh trong ngày Tết thành những đĩa hoa quả tươi ngon như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, táo... có lợi cho sức khỏe.
Hồng Hải
Nguồn http://dantri.com.vn/suc-khoe/uong-mot-lon-nuoc-ngot-nap-gan-ca-lang-duong-1032778.htm
0 Nhận xét